Bất ngờ nhóm máu ít bệnh tật nhưng khó có con
Khi đề cập đến vấn đề vô sinh, nhiều người cho rằng nguyên nhân thường xuất phát từ các vấn đề sức khỏe, chấn thương hay các yếu tố lối sống. Tuy nhiên, có một yếu tố ít ai ngờ lại có thể ảnh hưởng đến khả năng có con, đó chính là nhóm máu.
Đối với nam giới
Một nghiên cứu của Pakistan đối với 1.521 người vô sinh nam và 460 ông bố cho ra kết quả tỷ lệ vô sinh nam ở nhóm máu O luôn cao hơn so với tất cả các nhóm máu khác. Điều này cho thấy mối liên quan chặt chẽ giữa nhóm máu O và vô sinh nam. Theo đó, nhóm máu O có tỷ lệ vô sinh cao nhất, tiếp theo là nhóm máu A và B, trong khi đó, tỷ lệ mắc bệnh thấp nhất là nhóm máu AB.
Ảnh minh họa.
Một nghiên cứu khác của Viện Khoa học y tế Ấn Độ và Đại học Barkatullah (Ấn Độ) thực hiện năm 2015 bao gồm 88 người vô sinh cũng cho thấy nam giới nhóm máu O có tỷ lệ vô sinh cao hơn.
Lâu nay, nhóm máu O được coi là nhóm máu có thể lực tốt hơn các nhóm máu khác. Nhóm máu O có khả năng kháng bệnh mạnh hơn, do trong máu có các thành phần thúc đẩy hoạt huyết, giảm hình thành huyết khối nên người thuộc nhóm máu này có khả năng kháng bệnh tốt hơn, khả năng chống chọi với ung thư gan, ung thư dạ dày.
Vậy nên việc nhóm máu O khó có con làm nhiều người bất ngờ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nói rằng cần có các nghiên cứu quy mô lớn hơn để xác minh mối tương quan này và có chiến lược can thiệp phù hợp.
Đối với nữ giới
Các nhà khoa học cũng đã phát hiện ra rằng nhóm máu cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và cơ hội mang thai của phụ nữ.
Ảnh minh họa.
Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học trường Y Albert Einstein (New York, Mỹ) và Đại học Yale (Mỹ), cơ hội thụ thai của phụ nữ tuổi 30, 40 không chỉ do tuổi quyết định mà còn do nhóm máu. Đặc biệt, phụ nữ nhóm máu O - nhóm máu phổ biến nhất - không những ít trứng hơn mà chất lượng trứng cũng kém hơn. Trong khi những người có nhóm máu A dường như dễ thụ thai hơn.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã xem xét về nhóm máu của 560 phụ nữ có độ tuổi trung bình là 35 đang điều trị hiếm muộn. Họ lấy mẫu máu của những người tham gia nghiên cứu này để đo nồng độ hormone kích thích nang trứng (FSH). Đây là loại hormone có khả năng ức chế quá trình phóng noãn của phụ nữ, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản. Những người phụ nữ có nồng độ FSH cao hơn 10 sẽ khó thụ thai hơn những người có nồng độ FSH dưới 10. Vì mức FSH càng cao cho thấy buồng trứng dự trữ giảm, đồng nghĩa với việc chất lượng trứng giảm và số lượng trứng còn lại ít.
Kết quả thu được cho thấy phụ nữ nhóm máu O có mức FSH lớn hơn 10 nhiều nhất so với các nhóm máu còn lại. Không những thế, ngay cả khi tính đến độ tuổi thì kết quả này cũng vẫn đúng và dù những người tham gia nghiên cứu không hề có huyết thống với nhau.
Trong khi đó, những phụ nữ có nhóm máu A lại ít có khả năng có mức FSH cao hơn 10, vì nhóm A mang kháng nguyên A - một protein trên bề mặt tế bào nên đã bảo vệ số lượng trứng tốt hơn. Điều này hoàn toàn không có ở những người phụ nữ nhóm máu O.
Ảnh minh họa.
Hơn nữa, một số chuyên gia cho rằng nhóm máu ảnh hưởng đến những phản ứng của hệ miễn dịch trong việc nỗ lực để thụ thai. Điều này đã được chỉ rõ trong quá trình thụ tinh ống nghiệm bởi hệ miễn dịch luôn đóng vai trò quan trọng trong việc xác định sự thành công của việc cấy trứng vào tử cung người mẹ.
“Phụ nữ nhóm máu O là những người ít có khả năng thụ tinh ống nghiệm thành công. Điều này là do phản ứng miễn dịch của họ quá mạnh, không “bỏ qua” những chất lạ, dù đó là tinh trùng của người cha”, TS Joyce Harper (Bệnh viện Đại học College London) nói.
Các chuyên gia cũng cho biết, mặc dù nhóm máu có ảnh hưởng đến lượng hoóc-môn kích thích nang trứng, song tuổi của phụ nữ mới là yếu tố quyết định nhất đến khả năng thụ thai. Do đó, dù là nhóm máu A hay O, phụ nữ cũng nên chuẩn bị mang thai càng sớm càng tốt.
Phương Anh (Theo DM)
Tags: phụ nữ nhóm máu O khả năng sinh sản nhóm máu khó có con quá trình mang thai vô sinh nam