Chị em sinh đôi tìm thấy nhau sau nửa thế kỷ thất lạc
Ngày 20/5, nhà bà Đỗ Thị C ở xã An Thạch, huyện Tuy An rất đông người sau khi biết tin bà đã tìm được người chị sinh đôi Mai Thì Bền (bà B) lưu lạc suốt nửa thế kỷ qua.
Nhìn ảnh bà Bền đăng trên báo, cả nhà tấm tắc vì giống bà C như đúc. Thắp hương trên bàn thờ mẹ, bà Đỗ Thị Xâu, chị cả của bà B và bà C nói: "Mẹ ơi, con đã tìm được em rồi. Giá như mẹ còn sống".
Bà Bền (bà B) trái và bà C. Ảnh: Danh Toại - Minh Nguyệt
Bà Xâu kể, gia đình bà có 5 chị em. Sau bà có một em trai, rồi hai chị em sinh đôi, và em gái út. Ba người con giữa được đặt tên theo chữ cái lần lượt là A, B, C.
Năm 1965, khi người em út chào đời được 12 ngày thì cha mất, gia đình cũng vì thế mà ngày càng khốn khó. Một mình mẹ bà Xâu nuôi 5 con nhỏ nên có ai nhận nuôi các bé (vừa đến tuổi biết bồng em) là người mẹ đồng ý. Cả bốn người con đều đi ở đợ, chỉ em gái út còn quá bé nên ở với mẹ.
Hai chị em sinh đôi B và C ở hai gia đình khác nhau. Bà C theo cha mẹ nuôi lên Buôn Mê Thuột sống rồi được một người cùng làng biết tung tích nên dẫn về lại nhà mẹ ruột sau ngày đất nước thống nhất. Còn bà B được một sĩ quan chế độ Việt Nam cộng hòa ở huyện Tuy An nhận nuôi, lúc 5-6 tuổi. Vài năm sau, người này chuyển công tác ra Hoài Nhơn, Bình Định, dắt theo bà B. Từ đó bà bặt vô âm tín với gia đình.
Bà B kể, lúc bé, bà ở với gia đình người sĩ quan và trông con cho vợ chồng họ. Sau năm 1971, gia đình này cũng lao đao do chiến tranh nên bà tìm đường về nhà lúc 7-8 tuổi.
Khi cô bé B đang lang thang trên đường 1 đoạn qua Tam Quan, Hoài Nhơn thì gặp một người phụ nữ làm nghề buôn bánh tráng. Người phụ nữ hỏi tên cô bé, nhưng do B nói giọng Phú Yên (đọc chữ B là Bơ) nên bà nghe không rõ, nên khi nhận về nuôi bà đặt tên mới cho cô bé là Bền.
"Lúc đó chiến tranh loạn lạc, lính tráng đi đầy trên đường, mẹ tôi thương nên nhận tôi về", bà Bền kể. Bà cho biết thêm, mẹ nuôi là người tốt bụng, từng nhận hai đứa trẻ bị bỏ rơi khác trên đường, nhưng các bé còn quá nhỏ và sức yếu nên không sống nổi.
Vừa học vừa phụ cha mẹ nuôi, đến năm 18 tuổi, bà Bền lấy chồng cách nhà khoảng 2 km, sinh được 5 người con. Bà Bền thi thoảng vẫn nhớ ký ức tuổi thơ, muốn tìm lại gia đình nhưng không nhớ được địa chỉ. Mẹ nuôi cũng không có thông tin gì ngoài nơi gặp con nuôi bên quốc lộ.
Một năm trước, bà Bền đi làm căn cước công dân. Ngày 16/5, công an thị xã Hoài Nhơn nhận được thông tin trên hệ thống của Bộ Công an, bà Bền bị dừng cấp căn cước do gương mặt trùng với bà C ở Phú Yên.
Bà C (giữa) và bà Xâu - chị cả trầm trồ khi nhìn ảnh bà Bền giống hệt bà C. Ảnh: Thanh Duy
Nghi ngờ một người làm căn cước hai lần, công an thị xã Hoài Nhơn đã nhờ Công an huyện Tuy An xác minh thì ra hai người khác nhau. Từ đó, công an nhận định họ có thể là hai chị em ruột bị thất lạc.
Ngày 19/5, công an tới nhà bà Bền để xác minh thì nhưng lúc này bà Bền đang ở Vũng Tàu. Từ lời kể người nhà và thông tin bà Bền nói qua điện thoại, công an xác định nhận định về một cặp chị em sinh đôi là chuẩn xác. Công an huyện Tuy An lúc đó cũng báo về địa phương, gia đình bà C và nhận được các lời kể trùng khớp.
Bà B rất vui mừng khi tìm thấy lại được gốc gác, nhưng bà đang ở nhà con ở Vũng Tàu, điều trị bệnh thái hóa cột sống nên chưa thể về ngay. Còn bà C thì hồi hộp chờ ngày gặp lại người chị sinh đôi.
"Gặp lại được máu mủ thất lạc sao mà không mừng. Từ tối giờ tôi không ngủ được", bà C nói.
Cơ quan chức năng đang làm thủ tục và sắp xếp để hai chị em gặp nhau sớm nhất.
Phạm Linh - Minh Nguyệt
Tags: Phú Yên chị em sinh đôi thất lạc thất lạc 47 năm do chiến tranh thất lạc nửa thế kỷ bà B bà C bà Mai Thị Bền bà Đỗ thị C Bình Định đoạn tụ sau lưu lạc chưa hề có cuộc chia ly Tin nóng Gia