Chuyên gia giáo dục giải mã câu hỏi gây tranh luận tại Miss Grand Vietnam
Câu hỏi có nội dung: "Hiện nay, có rất nhiều sinh viên ra trường nhưng không xin được việc làm, trong khi đó nhiều doanh nghiệp lại khó tuyển nhân sự. Vậy theo quan điểm của bạn, hiện tượng này là như thế nào?".
Sau cuộc thi, một số ý kiến cho rằng, đây là câu hỏi chưa phù hợp, quá khó, quá "vĩ mô" cho một cuộc thi sắc đẹp. Nhiều người khẳng định, cần là chuyên gia giáo dục/chuyên gia tuyển dụng nhân sự, thậm chí là các cán bộ cấp cao mới có thể trả lời câu hỏi này.
Top 5 người đẹp xuất sắc nhất tại cuộc thi Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 (Ảnh: Fanpage cuộc thi).
Dưới góc nhìn của một chuyên gia giáo dục, trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng với câu hỏi này, có thể nhìn nhận hiện tượng theo khía cạnh chương trình đào tạo ở một số trường đại học đã cung cấp những năng lực chưa phù hợp với thực tế công việc tại các cơ quan, doanh nghiệp.
"Cụ thể, nhà tuyển dụng lao động yêu cầu ở nhân sự những năng lực này, trong khi chương trình đào tạo của trường lại xây dựng theo một năng lực khác.
Bên cạnh đó, có thể những người tốt nghiệp chương trình đào tạo thực tế chưa có được những năng lực thật, nhưng điểm vẫn cao; có những cơ sở đào tạo tuyển bao nhiêu người vào chương trình đại học là tốt nghiệp từng đó người,…", PGS Nam nói.
Tuy nhiên, theo PGS Nam, đây đều là những kiến thức hiểu biết chung trong cuộc sống. Bởi vậy, không cần là các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan, mọi người đều có thể trả lời theo quan điểm cá nhân dựa trên sự hiểu biết, am hiểu về những vấn đề đang diễn ra xung quanh. Câu trả lời không nhất thiết phải chính xác 100% theo khoa học.
"Câu hỏi trên cũng giống như các câu hỏi kiến thức chung khác, ví dụ như "Tại sao chúng ta phải phát triển các thư viện công?", "Tại sao chúng ta phải bảo vệ quyền tự do ngôn luận?", "Tại sao chúng ta phải chống độc quyền?",…
Một chuyên gia giáo dục sẽ nói dựa trên các bằng chứng, dựa trên các lý thuyết khoa học. Nhưng một người bình thường cũng có thể trả lời theo hướng chia sẻ nhìn nhận, suy nghĩ của bản thân. Đây chính là tư duy phản biện để lý giải và đưa ra phán đoán, thể hiện được thái độ của cá nhân trước các hiện tượng cuộc sống", PGS Nam chia sẻ.
PGS Nam cũng cho rằng, tiêu chí đánh giá của các cuộc thi sắc đẹp cần cân bằng giữa sắc đẹp hình thể và năng lực tư duy, trong đó có tư duy phản biện như trên; thay vì chỉ đặt nặng vào các tiêu chí về sắc đẹp.
Được biết, trong cuộc thi Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022, thí sinh nhận được câu hỏi nói trên đã đưa ra câu trả lời như sau: "Vấn đề nằm ở việc chúng ta nhận định như thế nào về việc chúng ta sẽ làm trong tương lai, nhiều hơn là đổ lỗi cho bất kỳ một cá nhân hay một tổ chức nào.
Vì khi chúng ta biết được những gì chúng ta làm từ nhỏ, chúng ta sẽ hiểu được, cảm nhận nó và những quyết định của mình sẽ mang được sự đam mê, sự nhiệt huyết.
Và tôi tin rằng, cá nhân của mỗi chúng ta cần rèn luyện để hiểu được những việc chúng ta làm. Tôi tin rằng một khi chúng ta yêu bản thân mình, yêu những việc chúng ta làm và làm những việc chúng ta thích, lúc đó sẽ có được thành công.
Về hiện tượng các công ty thiếu nhân sự, điều đó nằm ở chính việc mọi người quá đề cao về cách mà chúng ta tuyển dụng. Để hợp lý hơn, chúng ta cần đưa ra những chính sách và tìm hiểu về những cách mà cơ sở giáo dục đang làm, cùng nhau phối hợp để có thể đưa ra được những phương án, phương pháp giải quyết hiện tượng này. Tôi tin rằng mọi vấn đề đều có thể giải quyết khi chúng ta bình tĩnh và cùng nhau".
Kết quả chung cuộc, thí sinh này đã giành được ngôi vị Á hậu 4 của Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022.