Mô hình chính quyền đô thị TP.HCM: Chọn hình mẫu cho cả nước
TTO - Dự kiến hôm nay (ngày 16-11), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.
Đại biểu Tạ Văn Hạ phát biểu góp ý tại Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị ở TP.HCM - Ảnh: TTXVN
Trước đó, tại các phiên thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội tán thành việc thông qua nghị quyết để tạo "cú hích" trong tổ chức bộ máy quản lý hành chính TP.HCM hiệu lực, hiệu quả.Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPĐà Nẵng):
Tạo điều kiện tốt nhất để TP phát triển
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng tán thành đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Thiết chế chính quyền đô thị tại TP.HCM ra đời nhằm đáp ứng đòi hỏi cấp bách là phù hợp với đặc điểm, tình hình, yêu cầu của sự phát triển TP trong sự phát triển của cả nước.
Việc ban hành nghị quyết của Quốc hội không thông qua thí điểm mô hình chính quyền đô thị, như đang triển khai tại Hà Nội và Đà Nẵng, là phù hợp hoàn toàn với quy định của pháp luật hiện hành. Mặt khác, TP.HCM đã thông qua quá trình thí điểm và tổng kết thực hiện thí điểm, đã rút ra bài học kinh nghiệm. Đây là tiền đề để Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết mà không nhất thiết phải tiến hành thí điểm, đảm bảo sự phát triển ổn định và có đóng góp chung cho sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, sau khi nghị quyết được ban hành, Quốc hội cần ban hành các văn bản hướng dẫn về tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của địa phương. Chú trọng việc bố trí nhân lực, đội ngũ cán bộ cho cấp cơ sở đảm bảo đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Tránh tình trạng cắt giảm biên chế theo kiểu dàn hàng ngang đối với các địa phương mà không căn cứ vào tình hình thực tiễn dẫn đến khó khăn, không hiệu quả về hiệu lực của cấp chính quyền, cấp cơ sở.
Nghị quyết về chính quyền đô thị tại TP.HCM phải đạt được mục tiêu là tạo điều kiện tốt nhất để TP phát triển ổn định, làm tốt vai trò là một trọng điểm kinh tế của cả nước, có đóng góp quan trọng hơn cho quá trình phát triển chung của đất nước như tinh thần của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ giao cho và sự kỳ vọng của nhân dân cả nước.
Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng):
Tôi nhất trí cao!
Đại biểu Phùng Văn Hùng
Tôi nhất trí cao về việc Quốc hội ban hành nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Trong khi chúng ta chưa có đủ cơ sở để chọn được một hoặc một vài mô hình chính quyền đô thị phù hợp, áp dụng phổ biến trong cả nước thì việc Quốc hội ban hành nghị quyết riêng để một số địa phương áp dụng là việc làm hết sức cần thiết. Việc này nhằm kịp thời tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc về mặt tổ chức bộ máy chính quyền đang cản trở sự phát triển tại một số địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.
Chúng ta thấy rằng việc tổ chức thực hiện mô hình chính quyền đô thị là vấn đề mới, nếu được Quốc hội ủng hộ cũng mới chỉ được bắt đầu áp dụng ở 3 địa phương là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, phạm vi quá hẹp so với địa bàn của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Việc Quốc hội ban hành nghị quyết áp dụng cục bộ ở một vài địa phương cũng là những bước đi thận trọng để tiến tới chọn được hình mẫu chung nhất, nhân rộng ra cả nước. Lúc đó những vấn đề sẽ phải được điều chỉnh bằng một luật. Làm như vậy sẽ bớt được sự xáo trộn, gây phiền hà, tốn kém, không cần thiết cho người dân và phức tạp cho công tác quản lý.
Đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội Bà Rịa - Vũng Tàu):
Nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ công
Đại biểu Dương Minh Tuấn
Việc ban hành nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM để nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bộ máy chính quyền đô thị; nâng cao chất lượng, hiệu quả cung ứng dịch vụ công. Đồng thời mô hình này cũng phù hợp với đặc điểm, tính chất của một trung tâm tài chính, kinh tế, công nghệ cao của cả nước và khu vực, đóng góp kinh nghiệm thực tiễn cho quá trình đổi mới hiệu lực, hiệu quả của chính quyền đô thị.
Tuy nhiên, tôi đề nghị cần quan tâm hơn nữa và nâng cao vai trò giám sát của cấp ủy, đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND TP, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội nhằm đảm bảo các quyền của người dân.
Biểu quyết thông qua nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM
Trong hai ngày họp cuối (16 và 17-11) của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống nhiễm virút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
Quốc hội cũng sẽ thảo luận và nghe giải trình ở hội trường về dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Trong phiên họp bế mạc ngày 17-11 được truyền hình, phát thanh trực tiếp, Quốc hội sẽ nghe, thảo luận và biểu quyết thông qua một số nghị quyết, đặc biệt là nghị quyết về ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn:
Cải thiện hiệu quả quản lý hành chính cấp quận, phường
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn
Dự thảo nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM đang được Quốc hội xem xét thông qua. Lý do TP Hà Nội và TP Đà Nẵng chỉ được Quốc hội ban hành nghị quyết cho thí điểm tổ chức chính quyền đô thị, còn TP.HCM được ban hành nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị vì nghị quyết này được ban hành sau thời điểm Luật tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi 2019), có hiệu lực là ngày 1-7-2020. Trước thời điểm này, do thiếu cơ sở pháp lý nên Quốc hội chỉ cho phép TP Hà Nội, TP Đà Nẵng tổ chức thí điểm chính quyền đô thị theo hướng không tổ chức HĐND ở cấp quận, cấp phường.
Việc tổ chức lại chính quyền đô thị tại các đô thị lớn hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý cấp phường, cấp quận, giải quyết thủ tục cho người dân nhanh gọn hơn. UBND cấp phường, cấp quận sau khi tổ chức lại sẽ là cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc chính quyền cấp trên.
Quá trình tổ chức lại chính quyền đô thị cũng hướng tới thống nhất chế độ công chức công vụ trong các cơ quan nhà nước từ thành phố đến quận, phường. Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền giữa các cơ quan nhà nước tại đô thị, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của công chức làm việc tại UBND phường, hạn chế tình trạng đùn đẩy công việc.
B.NGỌC
Nhu cầu phát triển tất yếu của Đà Nẵng
Ông Võ Ngọc Đồng, giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, cho biết mô hình chính quyền đô thị là nhu cầu phát triển tất yếu của Đà Nẵng. Nó phù hợp với xu hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Theo ông Đồng, mô hình chính quyền đô thị mà Đà Nẵng được phép thí điểm tổ chức là mô hình một cấp chính quyền địa phương (ở cấp TP) và hai cấp hành chính (quận, phường). Chính quyền TP được tổ chức gồm HĐND và UBND. Chính quyền địa phương ở các quận thuộc TP là UBND quận (không tổ chức HĐND quận), là cơ quan hành chính nhà nước ở quận. Chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận tại TP là UBND phường (không tổ chức HĐND phường), là cơ quan hành chính nhà nước ở phường. Việc thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng được thực hiện từ ngày 1-7-2021.
HỮU KHÁThảo luận chính quyền đô thị tại TP.HCM: Đề nghị tăng giám sát quận, phường
TTO - Ngày 12-11, 9/9 ý kiến đại biểu phát biểu bày tỏ đồng tình và góp ý thêm giải pháp để thực hiện tốt việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.
TIẾN LONG
Tags: chính quyền đô thị;chính quyền đô thị TP.HCM;Quốc hội;bộ máy quản lý hành chính TP.HCM