Một đời làm nghề y, ba đời khanh tướng
1. Bởi đến với ngành y từ con số 0 nên ngày đầu bước chân vào bệnh viện, tôi không hiểu bác sỹ nội trú là gì. Thậm chí tôi nhầm tưởng đó là khái niệm ngược lại với… bác sỹ ngoại trú. Sau này, tôi mới hiểu, sau khi tốt nghiệp 6 năm y đa khoa xếp loại khá trở lên, bác sỹ cần phải học thêm 3 năm nữa để lấy bằng bác sỹ nội trú. Nghĩa là phải đào tạo ít nhất 9 năm học liên tục mới có được một bác sỹ nội trú.
Thế mới có chuyện, cùng tốt nghiệp phổ thông nhưng trong khi bạn bè học ngành khác ra trường đi làm, thăng tiến, lập gia đình, nhiều bạn học ngành y vẫn đang phải tiếp tục đèn sách. Chưa kể, sau khi tốt nghiệp ra trường, để nâng cao chuyên môn, bác sỹ còn phải tiếp tục theo đuổi các lớp chuyên khoa I, chuyên khoa II, chứng chỉ hành nghề với thời gian không dưới 5 năm. Nếu theo đam mê nghiên cứu khoa học như các ngành khác, họ tiếp tục theo học thạc sỹ, tiến sỹ… Nói thế để thấy, chỉ riêng việc học, để có một bác sỹ cơ bản lành nghề, phải mất trên dưới 10 năm. Chưa kể, việc học của nghề y phải học thật, hành nghề thật, bởi công việc của họ liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người.
Để trở thành bác sỹ, có thể hành nghề, phải trải qua rất nhiều khâu đào tạo
2. Chưa có thống kê chính xác xem trong số các bác sỹ, nhân viên y tế nghỉ việc sau đại dịch covid-19 ở nước ta có bao nhiêu người chuyển công việc khác hay là sự dịch chuyển từ khu vực y tế này sang khu vực y tế khác. Nghĩa là họ xin nghỉ việc chứ không phải bỏ nghề. Thầy thuốc thì thời nào, ở đâu cũng luôn có thể chữa bệnh, cứu người.
Theo tôi biết, những người học ngành y rất hiếm khi chuyển công việc khác, hoặc nếu có chuyển cũng là những công việc liên quan đến y tế. Chẳng hạn như có bác sỹ chuyển sang kinh doanh thiết bị, vật tư y tế, đầu tư bệnh viện, làm chính sách y tế…
Nghề y là nghề đặc thù, nếu không đủ đam mê, không ai theo đuổi công việc ấy từ đầu. Mặt khác, một nghề phải đầu tư học hành rất vất vả, mất thời gian, nếu bỏ dở sẽ rất lãng phí. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nghề khác khi nghỉ hưu thường được nghỉ ngơi, dưỡng già, còn bác sỹ, nhiều người nghỉ hưu vẫn có thể cống hiến thêm 10, thậm chí 20 năm nữa.
Có những bác sỹ gần nửa thế kỷ cầm dao mổ hay những điều dưỡng dành cả sự nghiệp chỉ để đưa dao, lấy kéo, băng vết thương, tắm cho trẻ sơ sinh… Công việc cả ngày chỉ đóng khung trong phòng mổ với một màu trắng lạnh toát nhưng họ đều vui vẻ, thầm lặng với sứ mệnh cao cả của mình. Bác sỹ, nhân viên y tế, nếu làm việc ở những môi trường đặc thù như bệnh viện tâm thần, bệnh viện lao phổi, trung tâm cai nghiện ma túy còn phải đối diện với nhiều rủi ro bất trắc.
Hay như trong đại dịch Covid-19, họ đã bất chấp nguy hiểm, lao vào tâm dịch như những chiến sỹ áo trắng lao vào trận địa. Nếu không đủ đam mê, chắc chắn họ đã lựa chọn con đường khác.
Công việc thầm lặng của các điều dưỡng viên, những người phụ tá cho thầy thuốc
3. Sếp cũ tôi khởi đầu là dân kinh doanh vận tải. Làm vận tải được gần 10 năm, ông chuyển sang xây khách sạn. Ở một tỉnh miền Trung, khách sạn lúc đó là lĩnh vực nhiều tiềm năng. Nhưng khi xây khách sạn đến tầng 3, ông quyết định xin chuyển đổi dự án sang… bệnh viện. Việc chuyển hướng đột ngột của ông gây ra nhiều tranh cãi. Gia đình phản đối, giới kinh doanh e dè, chính quyền đặt dấu hỏi lớn: ông ấy biết gì về y tế mà làm bệnh viện?
Đứng trước sự nghi hoặc đó, ông vẫn quyết tâm làm, để rồi gần 20 năm trước, 1 bệnh viện tư nhân ra đời với quy mô ban đầu 100 giường bệnh. Đến nay, hệ thống y tế dưới quyền điều hành của ông đã nâng lên 1.200 giường bệnh, được xác lập là một kỷ lục của y tế tư nhân Việt Nam.
Bây giờ, ông nói, nếu lựa chọn lại, mình vẫn chọn đầu tư xây dựng bệnh viện. Dẫu rằng, hành trình để có được hệ thống y tế tư nhân lớn mạnh nhưng hôm nay, ông đã trải qua rất nhiểu thử thách, cam go, đã phải đánh đổi quá nhiều.
Tôi hiểu, tâm huyết của ông không chỉ xoay quanh những con tính kinh doanh. Bởi nếu làm khách sạn, cơ hội thu hồi vốn có thể sẽ nhanh hơn, còn bệnh viện, nợ chồng nợ kéo dài. Nhưng cái được của y tế, theo ông là thứ không thể mua được bằng tiền. Có lẽ vì thế mà sau này, dù doanh nghiệp của ông phát triển đa ngành nhưng y tế vẫn là trụ cột chính, là yếu tố quan trọng nhất làm nên một thương hiệu có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
4. Chữ Y vô tình lại là chữ cuối cùng trong bảng chữ cái tiếng Việt nhưng nghề y lại là một trong 2 nghề cao quý ở Việt Nam. Sở dĩ nó cao quý bởi sứ mệnh chữa bệnh cứu người. Ai, dù giàu hay nghèo, quan chức hay thường dân cũng sẽ ốm đau bệnh tật. Thầy thuốc vì thế trở thành nơi để gửi gắm niềm tin, hy vọng với tất cả mọi người.
Ai rồi cũng ốm đau và luôn cần đến y bác sỹ
Cổ nhân có câu: “nhất thế y tam đại công khanh”, đại ý là: một đời làm nghề y ba đời làm khanh tướng. Nó cho thấy, người xưa dù xem “khanh tướng” là danh vọng lớn của đời người nhưng nghề y vẫn ở vị thế số 1. Nhiều gia đình mấy thế hệ làm nghề y như một nghề gia truyền cao quý.
Hôm nay, nghề y, dẫu còn nhiều khó khăn vất vả về môi trường làm việc, thu nhập, đãi ngộ… nhưng trên hết đó vẫn là nghề được xã hội trọng vọng, ngưỡng mộ.
Quang Duy
Tags: Nghề y danh giá như khanh tướng nghề y ba đời khanh tướng