Nguy cơ khôn lường với liệu pháp quấn nilon giảm eo
48.000 và 600.000 kết quả là con số thống kê trên google khi người dùng gõ từ khóa “quấn bụng nilon giảm mỡ”, “kem tan mỡ”, một trào lưu giảm cân thần tốc mà các chị em phụ nữ đang rỉ tai nhau.
Một tháng nay, phương pháp làm đẹp này bỗng dưng được quảng cáo rầm rộ bởi các spa lẫn chị em bán mĩ phẩm online. Dạo qua facebook, diễn đàn làm đẹp hay nhiều website của các spa lớn nhỏ, người dùng đều có thể bắt gặp quảng cáo phương pháp giảm cân thần tốc bằng nilon. Ngoài ra, hàng loạt các loại kem tan mỡ, tinh dầu đánh mỡ không rõ nguồn gốc, xuất xứ được đăng kèm bán tràn lan.
Một quảng cáo cho kem tan mỡ Gl. được đăng tải như sau: “Thoa kem lên khu vực cần tan mỡ như bụng, bắp tay, bắp chân, mông, đùi… ngày 2 lần sáng, tối. Bụng xoa tròn hình xoáy ốc, tay chân xoa dọc. Massage cho gel thấm 10-15p. Rồi quấn vài vòng nilon (màng bọc thực phẩm). Không bết dính không cần rửa lại. Khi hoạt động (đi học, đi làm), gel vẫn phát huy tác dụng đánh tan mỡ thừa rất tốt.
Hiệu quả tan mỡ vượt trội, không cần tập thể dục mà vẫn giảm ngay 6-12cm vòng eo, thon gọn bắp tay, bắp chân, thắt eo, săn chắc cơ cực chuẩn, giảm cân đánh tan mỡ mà không mệt mỏi. 100% không tác dụng phụ, không kích ứng da dù là da nhạy cảm nhất…”.
Cùng với công dụng “thần thánh” của việc quấn nilon, người bán không quên đăng tải những dòng feedback (phản hồi) “rất uy tín” trên facebook. Theo đó, họ đăng hình ảnh khách hàng trước và sau khi quấn nilon giảm cân cùng với tin nhắn “chỉ 1 đêm em đã giảm hơn 2cm vòng bụng”, “vừa sử dụng đã thấy bụng bé lại”, “cảm giác mỡ bị đánh tan ngay tức khắc”…
Cùng một phương pháp quấn nilon đốt mỡ nhưng mỗi người lại khuyên sử dụng kèm kem tan mỡ, tinh dầu đốt mỡ, gel đánh mỡ hay tinh dầu gừng… của các hãng khác nhau mà chẳng hãng nào được chứng minh an toàn. Các loại kem này có vô vàn giá, từ vài chục ngàn đến hàng trăm ngàn 1 lọ. Điển hình: 3 days (Thái Lan) 160.000 đồng, Lishou Phục Lin (Trung Quốc) 480.000 đồng, kem handmade từ 150.000 – 300.000 đồng, gel lạnh tan mỡ 500.000 đồng, Glamilda 300.000 đồng…
Sự thật đằng sau phương pháp giảm cân “thần thánh”
Ngày nay, quảng cáo đi kèm tin nhắn phản hồi là một chiêu marketing hàng đầu mà những người bán hàng online hay sử dụng. Việc tạo ra những tin nhắn bằng cách nhờ người quen phản hồi tốt hay sử dụng sim khác không khó. Chẳng biết những tin nhắn phản hồi kia có bao nhiêu phần trăm là thật, nhưng không ít người dùng thử phản ánh sự thật ngược lại. Khó chịu, phồng rộp, ngứa ngáy là triệu chứng người sử dụng mắc phải.
H.My (Hà Nội) cho biết: “Mình từng kết hợp với rượu gừng và kem tan mỡ rồi quấn nilon qua đêm. Nóng ran! Cảm giác mỡ cháy dưới da xèo xèo đã lắm. Nhưng không kiên trì nổi 5 ngày vì ngứa ngáy. Ngủ thì xoay bên nọ, bên kia, thò tay vào gãi. Mấy hôm sau nổi mụn li ti do da bị bí. Gãi ầm ầm, sau đó bỏ luôn!”.
Soi vào các mỹ phẩm làm tan mỡ, những thành phần ghi trên kem, gel, tinh dầu… đều là những chất kích ứng mạnh như ớt, gừng, caffeine… Nhãn mác trên các hộp đựng đều sơ sài, không ghi rõ thành phần, nguồn gốc, xuất xứ. Việc bôi loại kem này trên vùng da bụng mỏng manh khiến bụng thường có cảm giác bỏng, rát, nóng râm ran như mỡ đang được đốt cháy.
Cùng với việc quấn chặt nilon vào bụng, phụ nữ cảm giác vùng bụng đang được bóp cho săn chắc lại. Nhưng những người có làn da nhạy cảm rất dễ bị kích ứng, nhẹ thì nóng rát, ửng đỏ tại chỗ bôi, nặng hơn có thể phồng và rộp da, chảy nước và sau đó là nổi mụn. Đã có nhiều trường hợp bị dị ứng, viêm da do kem tan mỡ, phải điều trị dài ngày mới khỏi.
Sử dụng phương pháp giảm cân này được cho là thiếu khoa học, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo ý kiến của các chuyên gia da liễu, thực chất việc kem bôi tan mỡ có tác dụng hay không vẫn đang gây tranh cãi, bởi nhiều thành phần của kem như gừng, ớt, caffeine... được công nhận là có tác dụng phân giải hay “đốt cháy” mỡ.
Tuy nhiên, ngay cả khi điều đó đúng, các chất này cũng không thể thấm xuống các lớp mỡ sâu được. Vì thế, chuyện các tảng mỡ ở bụng, hông, đùi... mỏng đi sau khi bôi kem là không thể. Kem tan mỡ thực ra có tác dụng làm săn da, khiến vùng da được bôi có vẻ săn chắc, gọn gàng hơn. Đó là lý do khiến nhiều người tưởng nhầm là kem đã làm tan chảy mỡ dưới da.
Nói về phương pháp đốt mỡ bằng cách quấn nilon, bác sĩ Lê Xuân Hiệp phân tích: “Cảm giác nóng rát cảm nhận được trong quá trình quấn là do làn da phản ứng với các sản phẩm có tính nóng, chứ không phải là hiện tượng đốt mỡ. Đây chỉ là một biện pháp sử dụng nhiệt để làm mất nước tạm thời, trọng lượng cơ thể sẽ trở lại như bình thường nếu uống đủ nước”.
Ngay cả việc thoa kem và cuốn nóng cũng chỉ là làm mất nước tại chỗ. Sau khi sử dụng, chị em cảm thấy mình gọn hơn, nhưng chỉ một lúc sau, cơ thể được bù đủ nước sẽ trở lại như ban đầu. Ngoài ra, trong kem tan mỡ có các chất dưỡng da, tẩy tế bào chết, làm trắng da nên đôi khi người sử dụng bị đánh lừa bởi cảm giác khi thấy da đẹp hơn, láng mịn hơn... thì an tâm nghĩ là có kết quả.
Trái với việc làm đẹp, quấn nilon, bôi kem gây nóng đánh mỡ có thể gây tổn thương da và các tế bào khác của cơ thể do nhiệt độ tiếp xúc quá cao. Từ trước tới nay, phương pháp tập luyện thể dục thể thao vẫn là cách giảm mỡ an toàn và thực sự hiệu quả nhất mà các bác sĩ khuyên dùng./.
Tags: Xe kem tan mỡ dưỡng da làm đẹp quấn bụng nilon giảm mỡ Nguy cơ khôn lường với liệu pháp quấn nilon giảm eo