Quang Sọt Đội đặc nhiệm nhà C21 tiết lộ bị khán giả khủng bố điện thoại
24 năm sau vai diễn Quang "sọt" trong Đội đặc nhiệm nhà C21, ở tuổi 36, Hán Quang Tú đã là một giảng viên ưu tú của trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội với một tổ ấm hạnh phúc, ấm êm.
Trở về thời điểm cuối thập niên 90, Đội đặc nhiệm nhà C21 chính là một trong những dự án phim truyền hình gây tiếng vang, khó quên trong ký ức của hàng triệu khán giả Việt. Bộ phim nói về 5 người bạn học cùng lớp, có chung niềm đam mê phá án, đó là: Sơn "sọ", Quang "sọt", Minh "tổ cú", Sáng "béo", Tùng "quắt". Họ đã tập hợp lại và thành lập một nhóm đặc nhiệm.
Trong "bộ ngũ" khó quên của màn ảnh nhỏ 24 năm về trước, Quang "sọt" là cái tên để lại nhiều ấn tượng với khán giả.
Trong chương trình "Cuộc hẹn thanh xuân" của báo Dân trí, Quang Tú say sưa kể về những kỷ niệm khó quên và cả những tiếc nuối thời đóng Đội đặc nhiệm nhà C21, anh nói về cuộc sống và hôn nhân hiện tại với tất cả sự viên mãn, bình yên nhất...
Diễn viên Hán Quang Tú (Quang "sọt") trò chuyện trong chương trình "Cuộc hẹn thanh xuân" của báo Dân Trí.
Từ ký ức "tè ra quần" và đọc số điện thoại nhà mình trên phim
Sau 24 năm, với Hán Quang Tú, ký ức đóng phim Đội đặc nhiệm nhà C21 dường như vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí. Nhớ lại cơ duyên đến với bộ phim này, anh nói đó là sự tình cờ và may mắn.
Hán Quang Tú kể: "Lúc 11 tuổi còn học lớp 5, tôi có tham gia một vai diễn nhỏ trong Hà Nội mùa đông năm 1946 của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh. Trong một lần, tôi đang mải đá bóng, bắn bi với thả diều thì chú sản xuất của phim thấy tôi mới bảo: "Tú! Đi theo chú". Thế là chú chở tôi một phát lên hãng phim.
Đến nơi, tôi thấy bất ngờ vì có rất đông các bạn nhỏ cũng có mặt. Chú dẫn tôi vào gặp đạo diễn là bác Sơn (NSƯT Vũ Hồng Sơn - PV), bác xem mặt tôi luôn rồi phân vai này kia. Lúc đó, tôi không hiểu gì, sau này, trong quá trình đóng phim mới biết, đoàn phim đã có thông báo tuyển diễn viên trên chương trình Bông hoa nhỏ và báo Hoa Học Trò. Hôm đó là buổi casting diễn viên.
Tôi từng tham gia một phim điện ảnh, các chú cũng biết khả năng diễn xuất nên tin tưởng và giao vai Quang "sọt"luôn cho tôi mà không phải qua thử vai như nhiều diễn viên nhí khác".
Với Hán Quang Tú, mùa hè năm ấy là một trong những kỷ niệm đẹp nhất đời anh khi cùng đoàn làm phim bôn ba khắp nơi. Dàn diễn viên hầu hết là trẻ con, lắm lúc giận hờn, cãi nhau "như cơm bữa" nhưng sau đó lại... làm lành ngay được.
Đóng Đội đặc nhiệm nhà C21, Quang Tú và dàn diễn viên nhí trong phim có rất nhiều cảnh đáng nhớ nhưng một trong những phân đoạn anh nhớ nhất là Quang "sọt"phải nhảy lên người Sáng Béo (Tùng Lâm đóng) khi rình thủ phạm ném mắm tôm vào lớp học ở tập 4.
Một cảnh khác, anh phải diễn cảnh tiểu ra quần vì quá sợ. Để giữ trang phục sạch sẽ cho đúng "rắc co" (raccord), đạo diễn luồn một ống nhỏ phía sau quần anh rồi bơm nước vào. Hán Quang Tú cho biết, khi cảnh này phát sóng, rất nhiều bạn học cùng lớp 6 và cả các anh chị khóa trên đều hỏi anh: "Thế tại sao mày đóng phim mày tè dầm?, Tè như nào?, Tè thật đấy à?".
Một cảnh quay nữa khiến Quang Tú nhớ mãi đến bây giờ là trong phim có câu thoại anh phải đọc một số điện thoại. Đạo diễn bảo Quang Tú nhớ số nào cứ đọc đi, thế là anh đọc luôn số điện thoại nhà mình.
"Sau khi phát sóng đoạn phim đấy, điện thoại bàn nhà tôi reo liên tục, không thể nào ngủ được. Tôi không hiểu sao tự nhiên thuận miệng đọc luôn số điện thoại bàn nhà mình ra như vậy. Đấy là kỷ niệm mà tôi không thể quên được", Quang Tú vui vẻ nói.
Bộ phim "Đội đặc nhiệm nhà C21" là cột mốc khó phai nhòa trong cuộc đời của giảng viên, diễn viên Hán Quang Tú.
Đến chuyện cát-xê và để mất hàng nghìn lá thư của fan
Đội đặc nhiệm nhà C21 là thanh xuân, là tuổi thơ của biết bao khán giả thế hệ 7x, 8x, còn với Hán Quang Tú đó còn là cột mốc khó phai nhòa.
Với anh, những tình cảm nhận được của khán giả, những trải nghiệm khi đóng phim "Đội đặc nhiệm nhà C21" là vô giá, không cát-xê nào có thể đo lường được (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Sau khi phim phát sóng, Hán Quang Tú và dàn diễn viên nhí trong phim trở nên nổi tiếng và trở thành những gương mặt nhí được yêu thích. Với anh, niềm vui đóng phim khi ấy là được bạn học ngưỡng mộ, hỏi thăm tình tiết các tập sắp tới, là những khi ra ngoài đường, mọi người nhận ra và nói rằng: "A! cậu bé này đóng phim Đội đặc nhiệm nhà C21, Quang "sọt" kìa"…
Hán Quang Tú chia sẻ, thời điểm đó, tất cả diễn viên trong phim đều nhận được rất nhiều thư của khán giả gửi cho mình. Những lá thư của bạn đồng trang lứa, của người lớn tuổi hơn hay thậm chí của bác giảng viên Đại học. Đến giờ, Hán Quang Tú vẫn cảm thấy có lỗi vì khi đó chưa một lần viết thư hồi đáp lại mọi người, gửi lời cảm ơn tới mọi người đã ủng hộ và yêu thương mình.
Nuối tiếc hơn cả là để mất hàng nghìn lá thư, do lúc ấy còn nhỏ, anh mải chơi, chưa ý thức được mình nổi tiếng, cũng không nghĩ đến việc giữ chúng làm kỷ niệm.
Đóng phim khi chỉ mới 11 tuổi, Quang Tú nói không biết số tiền mình nhận được khi đó là bao nhiêu, anh nhận phong bì tiền và mang hết về cho mẹ. Khi đó anh còn quá nhỏ để hiểu và quan tâm đến cát-xê là gì?
Hán Quang Tú trải lòng: "Nhưng với tôi, cát-xê hồi đấy tôi cảm nhận được nhất đó là tình cảm của mọi người dành cho mình, là những trải nghiệm thú vị, vô giá khi mình được làm việc trong môi trường làm phim chuyên nghiệp từ khi còn quá nhỏ.
Thời điểm đó, rất nhiều bố mẹ mất tiền để cho con được học các lớp kỹ năng sống, kỹ năng mềm để làm sao con được tự tin, nhưng hồi đó tôi không hề mất tiền, thậm chí còn được nhận tiền về, nhận được tình cảm của mọi người, nhận những kinh nghiệm... Đó là một trong những điều không cát-xê nào có thể đo lường được".
Cuộc sống và hôn nhân hạnh phúc ở tuổi 36
Hán Quang Tú nói, nhờ bộ phim Đội đặc nhiệm nhà C21, anh bước khỏi vỏ bọc tự ti, nhút nhát để dấn sâu hơn vào nghề diễn. Từ đó, nam diễn viên nhận ra phim ảnh với anh như cái nghiệp. Cấp ba, anh từng ngưng diễn hoàn toàn vì gia đình sợ ảnh hưởng đến việc học, tập trung thi vào trường An ninh.
Sau này, nhận ra cơ duyên với nghề chưa dứt, anh quay lại đóng phim, tham gia một số tác phẩm kén người xem như Rừng đen(năm 2007, đạo diễn Vương Đức),Lạc lối (năm 2012, đạo diễn Nhuệ Giang)...
Hán Quang Tú có hôn nhân hạnh phúc khi có vợ luôn chia sẻ những áp lực nghề diễn và dạy học (Ảnh: Facebook nhân vật).
Ở tuổi 36, Hán Quang Tú dồn nhiều tâm huyết cho nghề dạy học, anh là một trong những giảng viên ưu tú của bộ môn Tiếng nói và kỹ thuật diễn tại trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Đam mê của anh là giúp các bạn trẻ uốn nắn trong lối phát âm, lỗi nói ngọng, nuốt chữ, bẹt tiếng...
Rời xa màn ảnh, tình nguyện là người lặng lẽ đứng sau thành công của những ngôi sao điện ảnh tương lai, Hán Quang Tú mãn nguyện với cuộc sống hiện tại. Anh nói, dẫu cuộc sống không dư giả, không giàu có nhưng anh cảm thấy hạnh phúc khi sau một ngày miệt mài đứng lớp, trở về tổ ấm, anh thấy vợ và con gái nhỏ chờ sẵn mình bên mâm cơm. Anh kết hôn năm 2014, đón bé đầu lòng một năm sau đó.
Vợ chồng anh vốn cùng trường, chị theo học môn Lý luận phê bình điện ảnh. Cả hai từng công tác chung cơ quan trước khi chị ra ngoài kinh doanh riêng. "Với tôi, vợ là chỗ dựa lớn cho sự nghiệp. Là dân cùng nghề, vợ chia sẻ cùng tôi những lo toan, vất vả đặc thù của công việc. Những lần tôi kín lịch dạy hoặc phải đi diễn xa, vợ tôi một tay vừa chăm con nhỏ, vừa điều hành công ty riêng", Hán Quang Tú tâm sự.
Hán Quang Tú (SN 5/6/1985), sinh ra tại TP Hà Nội.
Anh là diễn viên xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Bố mẹ của anh từng là nghệ sĩ có tên tuổi đã công tác tại Nhà hát Tuồng Việt Nam.
Trong số những cậu bé, cô bé thuộc Đội đặc nhiệm nhà C21 năm nào thì Quang "sọt" có lẽ là người có duyên nhất với điện ảnh. Quang Tú từng theo học lớp diễn viên Sân khấu điện ảnh K24 tại trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Năm 2010, anh tiếp tục theo học ngành đạo diễn sân khấu, nhờ có thành tích học tập tốt, Quang Tú đã được giữ lại làm giảng viên khoa Sân khấu của trường.
Công việc tại Nhà hát Kịch Việt Nam cũng mang đến cho Quang Tú những niềm vui và thành công. Anh từng giảnh giải Diễn viên xuất sắc nhờ vai diễn Edop trong vở kịch "Edop" hay "Con cáo và chùm nho" tại Liên hoan sân khấu các trường nghệ thuật Châu Á được tổ chức tại Bắc Kinh năm 2010.
Trở thành một giảng viên trong môi trường nghệ thuật, Quang Tú và các thầy cô trong ngôi trường Sân khấu Điện ảnh luôn tình nguyện lặng lẽ đứng sau thành công của những ngôi sao điện ảnh tương lai. Dù đã công tác tại trường nhưng khi có thời gian rảnh Quang Tú vẫn "trốn" đi làm phim vì nhớ nghề. Anh thường dàn dựng chương trình cho các doanh nghiệp, đơn vị, làm tiểu phẩm hay quay các tình huống cho các gameshow. Anh còn tham gia một số phim như: Lạc lối, Cao hơn bầu trời, Không có Eva, Cung đường trắng...
Tags: Đọc báo báo điện tử dantri Văn hóa