Vụ bé trai 5 tuổi bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh: Vô ý hay vô trách nhiệm?
Vụ bé trai 5 tuổi bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh: Vô ý hay vô trách nhiệm?
Cháu bé 5 tuổi đã bị bỏ quên trên chiếc xe đóng kín suốt hơn 10 giờ đồng hồ
Liên quan đến vụ bé trai 5 tuổi bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón học sinh dẫn đến tử vong, tối 29/5, Công an TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình) đã ra quyết định khởi tố vụ án "Vô ý làm chết người" quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự.
Thông tin ban đầu từ cơ quan công an cho biết, khoảng 6 giờ 20 phút ngày 29/5, ông N.V.L.(SN 1965, trú tại phường Quang Trung, thành phố Thái Bình) điều khiển xe ô tô 29 chỗ cùng 1 giáo viên Trường Mầm non Hồng Nhung đón cháu H. và 9 học sinh khác đi học.
Khi đến trường, lái xe L. mở cửa xe ô tô cho giáo viên và các cháu học sinh tự đi vào lớp. Sau đó, điều khiển xe ô tô đỗ ở cổng trường rồi ra về. Khi vào lớp, giáo viên lớp có chụp ảnh điểm danh học sinh gửi lên phần mềm của nhà trường để theo dõi, quản lý thì phát hiện vắng cháu H. nhưng không thông báo cho gia đình.
Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, cậu ruột của cháu là anh T.Đ.A. đến đón thì phát hiện sự việc cháu H. bị bỏ quên trên xe đưa đón của nhà trường dẫn đến tử vong.
Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên sự việc đau lòng như trên xảy ra ở trường học. Trước đó, cái chết của bé trai 6 tuổi bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh của Trường Gateway (Hà Nội) hồi tháng 8/2019 từng khiến dư luận bàng hoàng, xót xa.
Sau vụ việc ở trường Gateway khoảng một tháng, thêm một cháu bé bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường học ở Bắc Ninh đến 7 giờ đồng hồ. May mắn là cháu bé đã được cứu sống.
Cách đây gần một năm, tháng 6/2023, một học sinh Trường tiểu học ở quận Cầu Giấy, Hà Nội tham gia khóa sinh hoạt hè đi dã ngoại ở Bát Tràng, huyện Gia Lâm (Hà Nội) cũng bị bỏ quên. Đáng nói, trên xe có gắn 2 camera nhưng trong thời gian ngắn, không ai phát hiện ra việc vẫn còn một học sinh đang ngủ.
Hậu quả của các vụ việc trên tuy khác nhau nhưng nguyên nhân đều có điểm chung là quy trình kiểm tra học sinh từ xe đưa đón vào lớp có vấn đề. Cả lái xe và giáo viên, nhân viên đưa đón đã làm việc cẩu thả, thiếu trách nhiệm. Chưa kể, giáo viên đứng lớp, nhà trường sau đó đã không kiểm tra, giám sát chặt chẽ để xảy ra sự việc đau lòng.
Cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường
Trở lại với vụ bé trai 5 tuổi bị tử vong ở Thái Bình. Một chi tiết đáng chú ý là, khi vào lớp, giáo viên lớp có chụp ảnh điểm danh học sinh gửi lên phần mềm của nhà trường để theo dõi, quản lý thì phát hiện vắng cháu H. nhưng không thông báo cho gia đình. Đây là sự tắc trách dây chuyền của nhà trường chứ không chỉ là từ phía lái xe và giáo viên phụ trách đưa đón học sinh.
Pháp luật hiện hành quy định rõ, người phạm tội vô ý làm chết người sẽ phải chịu hình phạt theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự.
Theo đó, nếu bị truy cứu và bị tuyên án với tội danh vô ý làm chết người thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Nếu là tội danh vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Đồng thời, có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trong vụ việc trường Gateway năm 2019, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt 3 bị cáo tội danh vô ý làm chết người và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, người chịu mức án nặng nhất 21 tháng tù là nhân viên giám sát trên xe chở học sinh, người nhẹ nhất 12 tháng tù cho hưởng án treo là giáo viên chủ nhiệm.
Như vậy, đã có những bài học, những hồi chuông cảnh tỉnh nhưng rồi vẫn có những người không chịu nghe, không chịu học dẫn đến hậu quả đau lòng xảy ra.
Ngôi trường nơi xảy ra vụ việc cháu bé 5 tuổi bị bỏ rơi trên xe dẫn đến tử vong
Sau những vụ việc trên, nhiều phụ huynh nói rằng họ đã không dám đọc tin tức vì sợ không kìm nén được cảm xúc khi nghĩ đến chính con mình hằng ngay cũng đang được đến trường bằng dịch vụ xe đưa đón. Có những phụ huynh đã lập các hội nhóm, chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm về việc đưa đón con. Theo đó, có ý kiến cho rằng, bố mẹ dù bận đến mấy cũng nên cố gắng đưa con đến trường để đảm bảo an toàn. Việc “khoán trắng” cho nhà trường, nhất là các đơn vị làm dịch vụ đưa đón sẽ phải đối mặt với rủi ro cao. Tuy nhiên, thực tế, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để đưa đón con hằng ngay do đặc thù công việc. Vấn đề là trong vận hành quản lý, giữa nhà trường và phụ huynh luôn duy trì trao đổi thông tin để làm sao con em đi đến nơi, về đến chốn an toàn. Trong vụ việc vừa xảy ra tại Thái Bình, rõ ràng, giáo viên, lái xe và cả nhà trường đã tắc trách, vô trách nhiệm với chính học sinh của mình.
Giá như việc kiểm tra học sinh trước khi xuống xe cần phải thực hiện bằng quy trình 2 lần. Một lần của giáo viên đưa đón trẻ và một lần của lái xe và họ tuân thủ quy trình ấy trong tất cả các chuyến xe thì chắc chắn sẽ không xảy ra những sự việc đau lòng như thế.
Đây thực sự là một cú sốc, một bài học quá đau xót nữa cho không chỉ nhà trường, cho gia đình có con em tử vong mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh với tất cả các cơ sở giáo dục đang đưa đón học sinh bằng xe ô tô dịch vụ.
Không thể tiếp tục điệp khúc “xin lỗi” , “sơ suất” và “đáng tiếc”. Rõ ràng, đó là sự vô trách nhiệm của những người được giao nhiệm vụ đưa đón học sinh và cả giáo viên đứng lớp, cả nhà trường. Pháp luật có thể chỉ truy cứu tội vô ý và thiếu trách nhiệm nhưng lương tâm và đạo đức sẽ gọi họ bằng một từ chính xác hơn là: “vô trách nhiệm”. Cần xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm, đồng thời rà soát lại toàn bộ quy trình đưa đón học sinh tại các trường học để chấn chỉnh kịp thời, thiết nghĩ là việc nên làm và làm ngay dù như thế cũng đã là muộn.
-> Để trẻ một mình trên xe ô tô nguy hiểm thế nào?Quang Duy
Tags: cháu bé 5 tuổi Thái Bình tử vong cháu bé 5 tuổi bị bỏ quên trên xe